Ngữ nguyên học Nghệ_thuật_Gothic

Từ "Gothic" ban đầu có nghĩa là "man rợ", thường được sử dụng để miệt thị. Các nhà phê bình cảm thấy thứ nghệ thuật thời trung cổ này rất thiếu tinh tế và khác với các nghệ thuật đương thời khác về tính hoa mỹ.[1] Các tác giả thời kỳ Phục Hưng cho rằng cuộc cướp phá ở Roma của bộ tộc Gothic vào năm 410 đã gây ra sự sụp đổ của thời kỳ cổ đại và tất cả những gì tinh túy nhất còn trong nó. Vào thế kỷ 15 rất nhiều các kiến trúc sư và nhà văn Ý phàn nàn về một nền nghệ thuật tràn xuống từ bắc dãy núi Anpơ, đe dọa cho sự hồi sinh của nền nghệ thuật cổ trong thời điểm đầu thời kỳ Phục Hưng.[2] Từ "Gothic" được sử dụng để chỉ loại nghệ thuật này lần đầu tiên là trong bức thư của Raffaello gửi đến Giáo hoàng Lêô X vào khoảng năm 1518 và được phổ biến bởi nhà văn, nghệ sĩ người Ý Giorgio Vasari[3] sử dụng vào những năm đầu 1530, vào thời điểm này thì người ta đang gọi nghệ thuật Gothic là "man rợ, hỗn loạn và quái dị".[4] "Nghệ thuật" Gothic đã bị phê bình bởi các nghệ sĩ người Pháp như Boileau, La Bruyère, Rousseau, trước khi nó được công nhận là một hình thức của nghệ thuật.[1] Lời phê bình nổi tiếng của Molière:

Hương vị u mê trên những tượng đài Gothic,
Con quái vật ghê tởm của thế kỷ dốt nát
Như thứ nước phun ra từ bọn man rợ.

Thời kỳ đầu, nghệ thuật Gothic được gọi là "tác phẩm của người Pháp" (Opus Francigenum), vì vậy xác định được sự tiên phong của nước Pháp trong việc tạo ra loại hình nghệ thuật này.[1]